Văn học đạt 9+ Chuyện thật hay đùa

“ Văn 9 khó lắm, học làm gì”, “ Văn 7 điểm thôi là cao lắm rồi”, “ Em cố gắng lắm rồi nhưng chỉ được 6đ văn”,…. Vô vàn câu hỏi, câu ca thán của các bạn học sinh về môn Văn học mà từ trước đến nay chúng ta vẫn thường nghe. Điểm cao môn Văn là khó, nhưng không phải là không thể. Là do môn học này hóc búa hay là do các bạn chưa biết phương pháp làm bài 9+ môn Văn… Bài viết này dành cho những bạn nào có ý định chọn môn văn là môn xét tuyển, MUỐN ĐƯỢC ĐIỂM CAO MÔN VĂN và ĐANG BĂN KHOĂN KHÔNG BIẾT NÊN HỌC VĂN RA SAO cho HIU QUẢ NHẤT TRONG THỜI GIAN NGẮN NHẤT.

Ứng với ba 3 phần: Đọc hiểu, nghị luận xã hội và nghị luận văn học sẽ có những khó khăn nhất định cần các bạn lưu ý.

PHẦN ĐỌC HIỂU

Khó khăn:

Phần này đối với nhiều bạn khi làm bài sẽ cảm thấy “khó hiểu” vì nguồn tư liệu được lấy từ các văn bản ngoài sách, không có trong chương trình phổ thông, có khi còn bị “choáng ngợp” vì đề bài toàn “thuật ngữ Tiếng Việt”, nào là Phương thức biểu đạt, Phong cách ngôn ngữ, thể loại văn bản, Biện pháp tu từ, Nghệ thuật của đoạn trích các thứ các kiểu…

Hơn thế nữa là về cách làm bài như thế nào, nên gạch đầu dòng hay viết thành đoạn văn? Nên viết dài hay viết ngắn?

Trong phần này còn có một bài nêu cảm nghĩ của bản thân, và thực sự đã có rất nhiều bạn chia sẻ rằng các bạn viết được nhưng viết bị ngắn, không biết làm như thế nào cho đủ số lượng câu theo yêu cầu.

Giải pháp:

Để giải quyết vấn đề này,  các bạn phải nắm rõ về những khái niệm này thì các bạn mới có thể làm bài tốt. Phải hiểu rõi đâu là Phương thức biểu đạt, đâu là Phong cách ngôn ngữ. Sau khi có thể làm bài rồi, các bạn phải biết rằng có bao nhiêu loại phương thức biểu đạt, có mấy loại phong cách ngôn ngữ để có thể làm bài một cách chính xác.  Đơn giản rằng chỉ cần “biết”, các bạn đã có thể giành trọn điểm cho phần đọc hiểu rồi đấy!

Một lưu ý khác, khi làm phần này, các bạn hãy viết thật ngắn gọn sạch đẹp và biết thành đoạn văn, không được ngắt dòng lung tung. Hãy nhớ rằng các bạn đang thi Văn chứ không phải Toán hay Tiếng Anh!  Ngoài việc các bạn làm đúng, làm đủ, hãy biết cả cách trình bày nữa!

Riêng viết về đoạn cảm nghĩ, phải giới thiệu và giải thích cặn kẽ đúng ý của đề bài, từ đó phát triển lên theo cảm nhận bản thân, tức là phải đánh giá được mặt tốt xấu, yêu ghét, trân trọng hay phê phán. Cuối cùng là rút ra bài học cho bản thân.

PHẦN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI

Khó khăn:

Không biết cách viết một bài Nghị luận xã hội, không biết cách tư duy đề, phân tích ý và triển khai bài làm. Có nhiều bạn thắc mắc làm sao để viết đúng ý và logic.

Không biết nên viết dài hay viết ngắn, dung lượng bài viết ra sao.

Giải pháp:

Nghị luận xã hội là một phần vô cùng quan trọng, chiếm 2 điểm trong tổng số điểm toàn bài, ở trong phần này các bạn cần chú ý một điều đó là xác định và phân tích đề bài một cách cẩn thận, điều quan trọng là phải tìm được trọng ý của vấn đề, hãy cẩn xác định xem đề bài muốn mình phải nghị luận về cái gì. Đây là một điều vô cùng quan trọng bởi vì chỉ khi xác định đúng, các bạn mới có thể làm bài được.  Hơn nữa, có một điều vô cùng thú vị, đó là trong đáp án có một câu là “nếu học sinh có những luận giải riêng hay sáng tạo riêng mà thuyết phục thì cũng sẽ được điểm”. Điều này chứng tỏ rằng chỉ cần bài làm bài thuyết phục, logic, các bạn sẽ có điểm chứ không nhất thiết phải giống với đáp án đâu nhé. Hãy trả lời đúng trọng tâm rồi mở rộng lên liên hệ với các dẫn chứng ngoài xã hội, chắc chắn điểm phần này của các bạn sẽ không hề thấp đâu.

Về dung lượng, nghị luận xã hội chiếm 2 điểm cho nên các bạn hãy viết khoảng nửa mặt giấy, vẫn đảm bảo ý mở đầu, nội dung và kết luận được gói gọn trong một đoạn văn nhất định.

PHẦN NGHỊ LUẬN VĂN HỌC

Khó khăn:

Với khối lượng kiến thức lớn, việc học không vào học làm sao cho hết là một việc không phải dễ dàng.  Bây giờ mình sẽ phân tích và đưa ra giải pháp ngay sau đây.

Giải pháp:

Các bạn phải nhớ rằng, đây là phần quan trọng nhất và chiếm nhiều điểm nhất trong bài thi, điều này đồng nghĩa với việc cả dung lượng cũng như công sức phải dồn vào bài này là lớn nhất. Nghị luận văn học 5 điểm, cao hơn so với các phần khác, khác với Nghị luận xã hội được giới hạn ngắn trong khoảng  nửa mặt giấy thì đối với NLVH, quan điểm của mình là các bạn hãy viết hết công suất.

Đối với cách làm bài, nếu đề ra là phân một đoạn văn/thơ hãy cố gắng trích thật nhiều dẫn chứng nhất có thể. Việc cho một đoạn như thế này là một cách tạo điều kiện cho các bạn, thay vì phải nhớ dẫn chứng mệt mỏi, các bạn đã sẵn có nguồn ở trên rồi, hãy nhớ phải biết “tận dụng đến những con chữ cuối cùng”. Nếu đề ra là phân tích một hình tượng thì xây dựng bài theo ý lớn rồi chọn lọc những chi tiết trích dẫn, không sa đà hay kể lại câu chuyện. Nếu đề ra là so sánh, đừng quên có thêm phần so sánh đánh giá ở cuối trước khi kết bài nhé!

Khi làm bài, chuẩn bị trước mở bài, kết bài ở nhà, bởi vì trong thời gian thi cử gấp gáp như vậy, hãy dồn sức và dành thời gian cho nội dung bài, còn những phần nào có thể chuẩn bị trước ở nhà thì hãy chuẩn bị để vào phòng thi cầm bút là có thể viết luôn.

Cuối cùng, dù vào tác phẩm nào cũng đừng quên đặt trong chỉnh thể toàn bài để phân tích, từ đó nêu được giá trị của tác phẩm cũng như phong cách nghệ thuật của tác giả.

Lời kết

Như vậy, việc học Văn cũng giống như việc các bạn bắt đầu một trận chiến, một khi đã bắt đầu thì các bạn sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách nhưng điều quan trọng là phải thật bình tĩnh, hãy tư duy và tìm ra phương pháp tối ưu nhất để có thể học tập một cách hiệu quả.

Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng, dù thế nào, khi làm bài hãy nhớ rằng phải làm đúng, trúng trước, đọc thật kĩ đề bài (lúc này các bạn đã có 8 điểm trong tay rồi) và chỉ cần bồi dưỡng thêm cách diễn đạt một chút thôi là điểm 9 sẽ là một điều vô cùng dễ dàng. Hãy chăm chỉ một chút, cố gắng một chút, biết mình phải làm gì và cần làm gì, giữ một cái đầu tỉnh táo và tiếp tục cuộc hành trình, chắc chắn trái ngọt sẽ chờ các bạn ở cuối con đường! Chúc các bạn thành công

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.